Công nghệ đo lường chỉ số SpO2 không phải là công nghệ mới trên đồng hồ thông minh nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Là ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, Apple đương nhiên không thể chậm trễ trong việc đưa tính năng này vào dòng smartwatch mới nhất của mình: Apple Watch Series 6. Tuy vậy trải nghiệm của người dùng lại đặt ra một dấu chấm hỏi lớn về mức độ hiệu quả của tính năng đo chỉ số SpO2 trên Apple Watch so với các thiết bị chuyên dụng, cụ thể như thế nào, hãy cùng Mac Insta đọc tiếp nhé!
SpO2 viết tắt của cụm từ “Saturation of peripheral oxygen” nghĩa là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (hay còn gọi là nồng độ oxy trong máu, chỉ số oxy hóa máu). Việc theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong quá trình tập luyện thể thao cường độ cao hoặc với những người có sẵn bệnh lý như tim mạch, huyết áp, hen suyễn. Một số ứng dụng của việc áp dụng chỉ số SpO2 vào thực tế có thể kể đến như:
– Khi tập luyện thể thao quá sức, chỉ số SpO2 sẽ sụt giảm báo hiệu lượng oxy hiện tại không đủ cung cấp cho các cơ quan, nếu tiếp duy trì cường độ vận động có thể gây chấn thương, thậm chí là đột quỵ
– Khi đi leo núi, thám hiểm, càng lên cao áp suất không khí càng giảm, lượng oxy trong không khí càng thấp dẫn đến chỉ số SpO2 cũng sụt giảm. Bằng việc nhìn vào chỉ số này, bạn có thể quyết định có nên đi tiếp hay không.
Trong buổi ra mắt sản phẩm, đại diện Apple cũng nhấn mạnh vai trò của chỉ số SpO2, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 khiến nhiều người mắc các bệnh về phổi.
Tuy nhiên theo Geoffrey Fowler, chuyên gia công nghệ của trang Washington Post và là một trong những người đầu tiên sử dụng mẫu Watch Series 6 của Apple, tính năng đo SpO2 trên mẫu đồng hồ mới của Apple “hầu như vô dụng”.
“Lần đo đầu tiên, Apple Watch 6 hiển thị mức oxy trong máu của tôi là 88% – thấp đáng kinh ngạc, trong khi tôi sức khỏe tốt và không bị khó thở. Năm phút sau, tôi kiểm tra lại thì chỉ số SpO2 là 95%. Mỗi lần thử tiếp theo lại cho một kết quả khác nhau”, Geoffrey cho biết.
Thử nghiệm và so sánh với thiết bị đo SpO2 chuyên dụng của hãng Medline, Geoffrey cho biết đồng hồ của Apple thường cho độ chênh lệch 2 đến 3%, có lúc là 7%. Trong khi đo, người dùng Apple Watch 6 phải giữ đồng hồ trên cổ tay trong 15 giây, còn sản phẩm của Medline được kẹp vào ngón.
Cơ chế chung của các thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu là sử dụng cảm biến áp vào da. Ánh sáng từ cảm biến sẽ chiếu xuyên qua da để phát hiện màu sắc của máu, từ đó tính toán nồng độ oxy. Geoffrey đã thử trên một số người dùng với màu da khác nhau và đều cho kết quả chênh lệch so với máy đo chuyên dụng.
Apple không bình luận về nghi vấn cảm biến đo SpO2 trên Watch Series 6 bị lỗi. Hãng này sau đó gửi lại cho Geoffrey một chiếc Watch Series 6 khác kèm 8 chiếc dây đeo để thử nghiệm. Tuy nhiên, Geoffrey cho hay tình trạng chênh lệch kết quả đo vẫn diễn ra. Trong nhiều tình huống, đồng hồ của Apple còn báo “đo không thành công”.
Trên website sản phẩm, Apple ghi chú tính năng đo nồng độ oxy này không dùng cho mục đích y tế, mà chỉ dùng cho mục đích thể dục và theo dõi sức khỏe chung. Sản phẩm này cũng chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc của Mỹ cấp chứng nhận, theo Washington Post.
Tính năng đo nồng độ oxy trong máu trên Apple Watch Series 6 hiện vẫn chưa được hỗ trợ tại Việt Nam, trong thời gian chờ đợi, hy vọng rằng nhà Táo khuyết sẽ tiếp thu các ý kiến và thực hiện những nâng cấp, chỉnh sửa cần thiết, để Apple Watch có thể trở thành trợ thủ đắc lực của con người trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt giữa tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Thảm khảo thêm các phụ kiện khác sử dụng cho Apple Watch tại đây
Quý khách cần thêm thông tin, đừng ngần ngại liên hệ hotline hoặc inbox trực tiếp qua Facebook cho chúng tôi Tại đây
Thông tin liên quan